Ơn cha lành cao như núi Thái
Đức mẹ hiền sâu tự biển khơi
Dù cho dâng trọn một đời
Cũng không trả hết ân người sinh ta.
Lễ Vu Lan
Bốn câu thơ ngắn gọn, giản đơn nhưng khiến lòng người khắc khoải, xuyến xao. Công cha nghĩa mẹ biết kể sao cho trọn, mỗi lần nghĩ đến công ơn sinh thành mẹ cha, khóe mắt ta cảm thấy rưng rưng, sống mũi cay cay. Đam mê của ta đánh đổi bằng mồ hôi, sức lực của cha, sự trưởng thành, khôn lớn đánh đổi bằng tuổi thanh xuân của mẹ. Công ơn của bậc sinh thành bao la hơn biển cả, vời vợi hơn cả núi non. Chắc hẳn trong lòng mỗi người con đều mơ ước được báo hiếu cha mẹ, được nhìn thấy nụ cười mãn nguyện và hạnh phúc của họ khi ngắm nhìn những đứa con mình nuôi nấng nay đã lớn khôn ra sao.
Mỗi dịp tháng 7 về, trong tâm thức mỗi người con đất Việt đều mong chờ dịp lễ Vu Lan, đó là một ngày lễ trọng đại, lắng đọng hoài niệm công ơn của đấng sinh thành. Trong lòng mỗi người chắc hẳn đều muốn thể hiện tình cảm, tình yêu, sự hiếu thảo của mình đến cha, đến mẹ để tỏ lòng thành kính, sự biết ơn vô bờ.
Vu Lan đến, chùa nào cũng chuẩn bị hoa hồng để cài lên áo. Nếu không may cha mẹ đã mất, bạn sẽ cài lên ngực áo một bông hồng trắng. Người cài hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng, nhớ rằng rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa
Mỗi năm chỉ có một lễ Vu Lan, nhưng đối với người con thật sự hiếu thảo, Vu Lan luôn khắc trong tâm trí họ, ngày nào cũng là lễ Vu Lan, ngày nào cũng chăm sóc mẹ cha, đó là bổn phận, là trách nhiệm, là đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam ta.
Cuộc sống với bao bộn bề, nhịp sống hiện đại hối hả đôi khi khiến ta quên đi những cội nguồn nhân văn, đạo đức của tổ tiên. Con người cứ mải mê theo đuổi danh vọng, tiền tài mà quên đi giá trị đích thực của cuộc sống. Có bao giờ bạn thử ngẫm lại xem, đã bao lâu rồi bạn chưa ngồi ăn cơm cùng gia đình, nhổ những sợi tóc điểm bạc sương gió cho mẹ, xoa bóp đôi vai mỏi mệt cho cha??
Một số người hay nói đùa rằng: “Con cái là khoản đầu tư không bao giờ có lời”. Nhưng những đứa con ấy lại là báu vật vô giá của những bâc làm cha làm mẹ. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả được trọn vẹn tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng. Thử suy ngẫm một tí nhé! Ngày bé khi ta ốm, mẹ chỉ muốn được ở bên cạnh ta 24h, nhưng mỗi khi mẹ cha đau bệnh, đôi lúc chúng ta lại có vô số lý do để trì hoãn việc thăm nom. Mỗi tuần cha có thể gọi điện cho chúng ta 5 lần chỉ để hỏi xem “Con có cần gì không?”, nhưng chúng ta vì “quá bận rộn” nên có khi cả tháng không có lấy một cuộc điện thoại “Bố mẹ có khỏe không ạ?”. Khi xưa, cha mẹ không biết bao lần khen “Con giỏi quá!” khi ta bước được bước đi đầu tiên, bập bẹ vài con số, nhưng chỉ câu nói “Con yêu bố mẹ” sao mà khó cất nên lời!. Chúng ta rất thông minh, rất giỏi trong việc đầu tư tạo nên lợi nhuận nhưng lại quên mất nhà đầu tư quan trọng nhất của bản thân.
Cội nguồn và ý nghĩa của Vu Lan chính là nhắc nhở, răn dạy con cái hiếu thảo với cha mẹ, tổ tiên. Không có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn mất đi cha mẹ, không có nỗi hối hận nào bằng chưa kịp báo hiếu mẹ cha. Mỗi ngày ta lớn lên, tóc cha lại thêm sợi bạc, tay mẹ lại hằn thêm nếp nhăn. Rồi sẽ có lúc, ta muốn cầu xin “Thời gian ơi, đừng làm cha mẹ già thêm nữa”, cho nên còn mẹ còn cha, mỗi người nên biết trân trọng, phụng dưỡng. Cha mẹ không cần chúng ta trở thành vĩ nhân để báo hiếu, chỉ đơn giản là con cái sẽ nên người, biết hiếu thảo, yêu thương cha mẹ, luôn nghĩ về tổ tiên với niềm tự hào sâu sắc.
Có biết bao câu chuyện tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng đã thức tỉnh những tâm hồn lạc lối, mải mê bên ngoài xã hội, bạn bè xã giao mà quên mất đi trách nhiệm bên mẹ cha, dẫn lối họ trở về đúng giá trị vĩnh cửu của cuộc sống. Có biết bao câu thơ, câu hát, da diết, thẫm đẫm tình yêu thương tha thiết về mẹ cha, về lòng hiếu thảo hay những nét vẽ tài hoa, rất có hồn gửi gắm những tâm tư tình cảm về tình cảm gia đình cao cả.
Lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ là một ngày lễ truyền thống của Phật giáo nói riêng và người Việt nói chung mà nó còn là nét đẹp văn hóa, tinh thần, đạo đức ngàn đời xưa. Dù có đi đâu chăng nữa, mỗi người chúng ta phải biết hướng về cội nguồn, về gia đình với tấm lòng thành kính nhất. Cuộc đời ngoài kia còn lắm gian truân, mỏi mệt, chỉ cần được trở về bên cha mẹ, ta lại thấy mình như bé lại, bao muộn phiền tan biến. Cha mẹ, gia đình là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho mỗi con người, không gì có thể thay thế được. Ngày lễ Vu Lan không chỉ là dịp để lên chùa cầu phước, cầu an lành cho ba mẹ, mà đó cũng là dịp để ta nói những lời nói yêu thương với cha mẹ của mình. Những người con ở gần ba mẹ hãy tặng cho họ những cái ôm thật siết. Còn ở xa, hãy điện thoại về nhà ngay để nói “con yêu mẹ, yêu ba” khi còn kịp bạn nhé!
Những loại vải áo dài đẹp đang được ưa chuộng nhất hiện nay: